03 cách xử lý trẻ sơ sinh bị sặc sữa hiệu quả có thể bạn chưa biết
Trẻ sơ sinh bị sặc sữa nếu không được sơ cứu kịp thời có thể đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Trang bị đầy đủ kiến thức và nắm được cách xử lý trẻ sơ sinh bị sặc sữa cho các bậc phụ huynh, bố mẹ, người chăm sóc trực tiếp cho trẻ là vô cùng cần thiết.
1. Sặc sữa ở trẻ sơ sinh là gì?
Sặc sữa ở trẻ sơ sinh là tình trạng sữa bị hít vào đường thở, tràn vào khí quản, phế quản, có thể đi đến các phế nang gây tổn thương, sưng các niêm mạc đường thở, bít tắc đường hô hấp. Điều này gây cản trở quá trình trao đổi khí gây thiếu hụt oxy đến các tế bào, bộ phận trên cơ thể.
Phần lớn các trường hợp trẻ bị sặc sữa bắt nguồn từ việc cho chăm sóc không đúng cách:
- Cho trẻ bú sai tư thế;
- Sữa mẹ nhiều hoặc bình sữa có lỗ núm quá to khiến lượng sữa chảy ra quá nhiều, nhanh, trẻ không nuốt kịp;
- Trẻ bú khi đang khóc, đang cười,…;
- Trẻ bú quá no…
Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh bị sặc sữa có thể do hoạt động của các cơ thuộc hệ tiêu hóa, đảm nhiệm chức năng bú/nuốt còn yếu (thường xảy ra ở trẻ sinh non). Một số trường hợp hiếm gặp, trẻ có bất thường, dị tật hầu họng, chậm phát triển thần kinh làm tăng nguy cơ bị sặc sữa, phải kể đến như: khe hở vòm, khe hở môi (hở hàm ếch), hội chứng Down, bại não, rò lỗ khí quản – thực quản, các bệnh lý về tim mạch, gan, phổi…
Ngoài ra, khác với người trưởng thành, dạ dày của trẻ sơ sinh còn nằm ngang nên trẻ sơ sinh sẽ dễ bị sặc sữa, nôn trớ hơn.
2. Triệu chứng điển hình khi trẻ sơ sinh bị sặc sữa
Tình trạng sặc sữa ở trẻ sơ sinh có thể xảy ra ở bất kỳ trẻ nào, trong khi cho trẻ bú hay sau khi trẻ đã bú xong. Do vậy, bố mẹ cần chú ý quan sát các biểu hiện của trẻ trong khoảng thời gian này nhằm có phản ứng kịp thời khi trẻ bị sặc sữa.
Một số dấu hiệu sặc sữa ở trẻ sơ sinh, bố mẹ cần lưu ý:
- Trẻ đang bú đột ngột ho sặc sụa
- Sữa trào ra từ mũi, miệng của trẻ
- Trẻ hốt hoảng
- Da trẻ tím tái, mềm nhũn
- Trẻ quấy khóc
- Cơ thể trẻ co cứng hoặc mềm nhũn
- Thở nhanh, khó thở
Sặc sữa ở mức độ nặng, sữa chảy vào phổi có thể gây ngừng thở, ngừng tim, thậm chí là tử vong nếu không được xử lý đúng cách, kịp thời.
Cho trẻ bú sai cách có thể khiến trẻ bị sặc sữa, gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.
3. Cách xử lý trẻ sơ sinh bị sặc sữa hiệu quả
Khi nhận thấy các dấu hiệu sặc sữa ở trẻ sơ sinh, bố mẹ cần nhanh chóng sơ cứu để đưa trẻ thoát khỏi tình trạng nguy hiểm. Một số cách xử lý trẻ sơ sinh bị sặc sữa hiệu quả:
1. Vỗ lưng
Cho trẻ nằm sấp trên 1 cánh tay hoặc đùi, đầu hướng xuống dưới. Tay còn lại dùng một lực đủ mạnh vỗ liên tiếp 5 cái vào phần giữa 2 bả vai của trẻ theo hướng xuống dưới, ra trước. Sau đó, lật ngược trẻ lại. Nếu trẻ thở được, da hồng hào, trẻ đã an toàn. Nhưng nếu trẻ vẫn không có dấu hiệu cải thiện, bố mẹ cần ấn ngực cho trẻ. (1)
2. Ấn ngực
Đặt trẻ trong tư thế nằm ngửa, dùng ngón trỏ và ngón giữa ấn một lực vừa đủ theo hướng vuông góc với người trẻ tại vùng giữa xương ức, cách khoảng 1 đốt ngón tay ngay dưới đường nối giữa 2 núm vú. Ấn liên tục 5 lần, 1 lần/giây. Nếu trẻ vẫn chưa có tiến triển tốt, bố mẹ phối hợp vỗ lưng – ấn ngực cho đến khi trẻ có dấu hiệu hồi phục lại, khoảng 6 – 10 lần.
Trường hợp không có các dụng cụ hút mũi, miệng chuyên dụng, bố mẹ có thể dùng miệng hút nhanh cho trẻ để thông đường thở. Thao tác này được thực hiện đồng thời với vỗ lưng và ấn ngực.
Lưu ý, trẻ bị sặc sữa đã hồi phục sau khi được sơ cứu cần được theo dõi chặt chẽ các biểu hiện của chúng. Bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra nhằm phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn của sặc sữa.
Hãy thường xuyên truy cập website ecopharm.vn để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé!